WeWork Japan

    17.01.24

    Không khí Tết xưa và nay

    Ngày còn nhỏ cứ khoảng độ một tháng trước Tết là nhà nhà náo nức mua sắm đồ đạc để đón Tết, mẹ dẫn em đi mua quần áo mới, ba đảm nhận nhiệm vụ sửa sang và tân trang các món đồ trong nhà. Các đồ dùng trong nhà được lau chùi sạch sẽ, ... Read more

    Ngày còn nhỏ cứ khoảng độ một tháng trước Tết là nhà nhà náo nức mua sắm đồ đạc để đón Tết, mẹ dẫn em đi mua quần áo mới, ba đảm nhận nhiệm vụ sửa sang và tân trang các món đồ trong nhà. Các đồ dùng trong nhà được lau chùi sạch sẽ, trên tường dán những câu đối, tranh thư pháp cầu mong năm mới gia đạo bình an, gia đình sung túc.

    Vào tháng giáp Tết cứ ra đường ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh cây đào, cây mai, chậu tắc, trăm hoa đua sắc như muốn nói hoa cũng muốn được cùng hưởng không khí Tết đang tràn ngập khắp phố phường. Ngoài Bắc thì nhà nhà cắm cành đào khoe sắc hồng diễm lệ, trong Nam thì chưng hoa mai vàng rực rỡ trong nắng xuân, tô điểm thêm với vài chậu bonsai được cắt tỉa gọn gàng và với vài bình hoa cúc nở rộ như ánh nắng mùa xuân báo hiệu một năm mới an lành sắp tới.

    Tết xưa, ai ai cũng hối hả chen nhau giữa các dòng người tấp nập trong chợ để mong mua được món đồ ngon, mua được ít nếp, ít đậu, ít thịt về nhà nấu bánh chưng bánh tét. Sáng hôm giao thừa cả nhà cùng nhau thức dậy sớm để chuẩn bị gói bánh, bận rộn cả một ngày rồi cả nhà quây quần cùng nhau nấu bánh cho tới tận thời khắc giao thừa.

    Tết xưa, nhà nhà đều dán câu đối trước cửa, trang trí cho cây mai vàng thật rực rỡ, dựng cây nêu, đốt pháo cầu một năm thật bình yên, may mắn và thành công.

    Ngày nay, ai cũng than rằng do nhịp sống tấp nập và con người phải lo toan quá nhiều thứ nên không còn không khí Tết như xưa, nhưng ít ai biết rằng không khí Tết không chỉ thể hiện qua bên ngoài mà còn nằm bên trong nội tại mỗi con người chúng ta.

    Phải chăng không khí Tết chính là lòng mong nhớ về quê hương và nôn nóng mong đến Tết để được về quê gặp mặt gia đình?

    Hay Tết chính là mâm cơm sum vầy cùng gia đình và bàn chuyện năm mới, dù mâm cơm đó có đạm bạc thì ta vẫn cảm thấy xao xuyến?

    Hay Tết chính là lúc lòng ta cảm thấy có chút gì đó bồi hồi nhớ lại những ngày xưa còn thơ bé ta vui mừng khôn xiết khi được mẹ dẫn đi sắm quần áo mới đón Tết?

    Hoặc Tết trong chúng ta chính là thời khắc ta cảm thấy đã quá mệt mỏi giữa bộn bề cuộc sống khi phải lo toan quá nhiều thứ và mong muốn được trở về bên vòng tay ấm áp của mẹ cha?

    Vậy thì không khí Tết có phải cũng xuất phát từ trong nội tâm mỗi con người chúng ta hay không? Nếu trong lòng chúng ta cảm thấy Tết đang đến gần thì xung quanh ta sẽ tràn ngập không khí Tết. Còn nếu bạn chỉ mong chờ Tết đến và được đi du lịch đây đó để trốn tránh “cơ hội” về quê được ăn bữa cơm giao thừa, được trở về bên mái ấm gia đình thì dù ta có đang sống trong một xã hội tràn ngập không khí Tết và mọi người nô đùa khắp phố phường thì lòng ta vẫn không có Tết.

    Không khí Tết thực ra không mất đi trong lòng mỗi chúng ta chỉ là cách bạn lưa chọn đón nhận nó hay không mà thôi…


    Ngày còn nhỏ cứ khoảng độ một tháng trước Tết là nhà nhà náo nức mua sắm đồ đạc để đón Tết, mẹ dẫn em đi mua quần áo mới, ba đảm nhận nhiệm vụ sửa sang và tân trang các món đồ trong nhà.
    Các đồ dùng trong nhà được lau chùi sạch sẽ, trên tường dán những câu đối, tranh thư pháp cầu mong năm mới gia đạo bình an, gia đình sung túc.